Saturday, December 11, 2010

L’amant -The Lover (Người tình)

L’amant -The Lover (Người tình): một trong những bộ phim Pháp ăn khách nhất tại thị trường thế giới, và cũng là bộ phim phương Tây đầu tiên đến quay tại Việt Nam. Đây chỉ là một câu chuyện tình, dựa trên bối cảnh gợi nhớ Đông Dương thời thuộc địa những năm đầu thế kỷ 20, nhưng được thực hiện hoành tráng mang tầm vóc sử thi.

Từ tác phẩm best - seller đến kịch bản điện ảnh

Click the image to open in full size.




Bộ phim Người tình dựa theo cuốn tiểu thuyết tự truyện cùng tên của nữ văn sĩ Marguerite Duras, đoạt giải văn chương Goncourt năm 1984, được dịch ra 43 thứ tiếng và là tác phẩm bán chạy nhất tại Pháp của Duras (2,4 triệu bản). Tiểu thuyết kể về tình yêu cuồng nhiệt và sự đam mê thể xác của chính mình, khi mới 15 tuổi rưỡi, với một thanh niên người Hoa giàu có, lớn hơn bà 12 tuổi. Câu chuyện xảy ra vào cuối những năm 1920 tại Sài Gòn, Đông Dương.

Đạo diễn kiêm nhà sản xuất danh tiếng Claude Berri đã nhanh chóng mua bản quyền cuốn sách để dựng thành phim nhưng không làm đạo diễn mà giao lại cho Jean-Jacques Annaud – một đạo diễn đang được thế giới điện ảnh chú ý với những bộ phim hết sức ấn tượng như: Cuộc chiến giành lửa, Con Gấu, Tên của hoa hồng. Annaud đọc cuốn tiểu thuyết và phản ứng đầu tiên của ông là từ chối. Như ông tâm sự: “Tôi rất thích ngôn ngữ của Duras, đó là một ngôn ngữ rất phù hợp với điện ảnh. Những lời văn có thể chuyển thành lời thoại một cách rất nhẹ nhàng. Nhưng bà ta là một tên tuổi quá nổi tiếng, tôi không muốn làm việc với một tác giả mà thừa biết rằng, rất khó có thể cùng cộng tác làm việc”. May sao, “cuối cùng, tôi nhận lời, bởi vì L’amant là câu chuyện rất đặc biệt. Một câu chuyện nhỏ về một tình yêu lớn, nó giúp tôi được hòa mình vào bản sonate lãng mạn trên nền bản giao hưởng – Đông Dương thời thuộc địa”.

Để hoàn thiện kịch bản, Annaud nhờ cậy nhà biên kịch Gérard Brach – người mà theo lời Annaud – một nhà biên kịch hiếm hoi trên thế giới, có thể viết lời cho hình ảnh một cách tuyệt vời, có khả năng hình dung được những gì sẽ được thấy trên phim và kịch bản do ông viết gần như một bộ phim hoàn chỉnh. Brach cố gắng giữ lại cấu trúc và giọng điệu văn chương nguyên thủy của nguyên tác tiểu thuyết. Không ai trong số các nhân vật chính có tên, họ chỉ được gọi là “Cô gái” và “Người đàn ông” trong danh sách giới thiệu nhân vật.

Những bất ngờ đầu tiên từ Việt Nam

Để đưa toàn bộ câu chuyện trở lại với quá khứ xa xưa khoảng gần 70 năm, nhà sản xuất Claude Berri đã huy động được một khoản kinh phí khó tin đối với một bộ phim Pháp lúc ấy: 30 triệu USD! (đến nay đó vẫn là một trong những khoản kinh phí đầu tư lớn nhất trong lịch sử điện ảnh Pháp). Berri quyết định phim sẽ nói tiếng Anh để dễ phát hành trên thế giới.

Năm 1989, đạo diễn Annaud cùng đoàn tiền trạm sang Việt Nam chọn cảnh. Khá thất vọng với cơ sở hạ tầng đặc biệt là khách sạn quá thiếu tiện nghi, ông thử chuyển sang Malaysia, Thái Lan và Philippines – những nước từng được sử dụng làm bối cảnh Việt Nam trong những bộ phim chiến tranh của phương Tây – tiện nghi thì có đấy, nhưng cái quan trọng nhất là chất Đông Dương thuộc địa huyền bí và kiến trúc thời Pháp thuộc lại gần như không có. Một năm sau, ông trở lại sự lựa chọn ban đầu, vì cảm thấy không nước nào khác có thể thay thế Sài Gòn và các tỉnh miền Tây. Và ông thực sự rất thú vị khi được trở thành người châu Âu đầu tiên sau nhiều năm chiến tranh, đến tìm hiểu và khám phá lại Đông Dương huyền bí. Ông rất ngạc nhiên khi những dấu tích của chiến tranh vẫn còn hiện diện ở khắp nơi, nhưng đặc biệt là những công trình do Pháp xây dựng vẫn còn tồn tại, nhiều công trình vẫn còn nguyên vẹn, hiện được các cơ quan nhà nước được sử dụng và bảo quản kỹ càng. Theo Annaud, Sài Gòn là một thành phố lạ thường, ở đây giống như một bảo tàng sống về kiến trúc thuộc địa cuối thế kỷ 19.

Đạo diễn Annaud và nhóm tiền trạm đã rất xúc động khi được tận mắt lại ngôi trường cấp III Lycée Chasseloup-Laubat (trường Lê Quý Đôn hiện nay) của nhân vật “Cô gái” trong tiểu thuyết (thời đó cô tên là Donadieu, sau này đổi thành Duras) và những nơi mà bà cùng “Người tình” đã từng sống. Ông còn cố công tìm hiểu và may mắn được trò chuyện với một người Việt năm xưa đã từng biết cô Donadieu: cụ Vương Hồng Sển – học giả uyên thâm về Nam bộ – nghe ông kể lại những kỷ niệm về Donadieu và người tình Hoa kiều tên Huỳnh Thủy Lê.

Tìm “Cô gái” và “Người tình ” trên khắp thế giới!


http://zingo.typepad.com/.a/6a00d8341ca86653ef012875b0e2eb970c-800wi


Lời mở đầu của tiểu thuyết và kịch bản: “Tôi mới 15 tuổi rưỡi”. Có nghĩa là bộ phim cần phải tìm một diễn viên lớn tuổi hơn, nhưng gương mặt phải trẻ như 15 tuổi rưỡi! Thứ nhất, nếu đúng tuổi đó khó mà tìm được người có khả năng diễn xuất. Thứ hai, phim có chủ đề nhạy cảm không phù hợp với lứa tuổi vị thành niên. Một thử thách không nhỏ với ban phụ trách tuyển diễn viên. Họ đã lùng sục trong rất nhiều tạp chí của thiếu nhi và thiếu niên trên khắp thế giới. Thậm chí còn đặt mua cả tạp chí của Nhật Bản, Đức, Italia... Như vậy, chỉ riêng vài chữ “Tôi mới 15 tuổi rưỡi” đã tốn kém của đoàn phim khá nhiều tiền!

Hàng loạt thông báo tuyển diễn viên được rao trên nhiều nước. Đơn và ảnh xin tham gia nhiều đến mức người ta phải đóng vào bao tải để gửi về cho ban tuyển chọn. Đạo diễn Annaud cho biết: “Tôi đã duyệt khoảng 100 người, nhưng mỗi người phụ trách tuyển diễn viên của tôi thì phải duyệt đến hàng nghìn! Có 7 người đảm nhận việc đó, nghĩa là có khoảng 7000 cô gái đã được quay thử. Tôi xem trên băng hình khoảng 300 người đã được chọn lọc, sau đó phải gặp trực tiếp từng người”.

Công việc càng lúc càng bế tắc trong nhiều tháng ròng, cuối cùng Annaud cảm thấy kiệt sức và quyết định sẽ lựa chọn cô gái nào bước vào ngày hôm đó. Đó là cô gái người Anh mảnh dẻ sống ở ngoại ô Paris, vẻ bề ngoài không có gì đặc biệt, không khá hơn những người khác mà có thể còn trống rỗng hơn! Nhưng bù lại cô ấy có những rung động khác người.

Tên cô là Jane March, do chính vợ Annaud phát hiện trên một tạp chí tuổi teen. Cô nhút nhát rụt rè không biết phải làm gì, và đó chính là điều lý thú bởi Donadieu khi 15 tuổi rưỡi cũng không biết phải làm gì. Trong lần gặp đầu tiên, Annaud nhìn Jane và tự hỏi cô ấy giống Duras ở điểm nào.

Khi xem ảnh của bà Duras lúc 17 tuổi trên bìa của 1 cuốn Người tình xuất bản tại Mỹ, ông yêu cầu Jane chải tóc ngược về sau, và cả ban tuyển chọn đã thực sự sửng sốt. Jane và Duras giống nhau một cách kỳ lạ! Sau nhiều lần chụp ảnh, hóa trang và diễn thử, Jane March đã chính thức được chọn.

Việc chọn vai diễn “Người tình” Hoa kiều phức tạp hơn Annaud và ban tuyển chọn nghĩ. Họ phải rao tìm ở Mỹ và Hongkong. Đa số phong cách của các diễn viên châu Á ở đó đã bị phương Tây hóa, số còn lại thì phù hợp nhưng lại không nói được tiếng Anh. Nhưng Annaud vẫn kiên trì tìm kiếm, vì ông cho rằng bộ phim The Last Emperor của Bertolucci cũng vấp phải vấn đề tương tự nhưng cuối cùng rồi họ cũng tìm được người mình cần.

Trong số những ứng cử viên mà Annaud chấm, có một người không muốn nhận vai vì anh ta cảm thấy mình nói tiếng Anh không đủ khá. Nhưng khi biết là đoàn phim vẫn chưa chọn ai, anh ta mới đánh bạo đến gõ cửa phòng đạo diễn. Annaud ra mở cửa và lập tức trước mắt ông là chàng thanh niên quí tộc Hoa kiều mà cả đoàn cất công tìm kiếm. Đó là nam diễn viên Hongkong Lương Gia Huy.

Ngay lập tức đạo diễn Annaud đã đưa anh về Paris để thử vai cùng với Jane March. Điều mà ông cần nhất là sự kết hợp của hai diễn viên. Khi họ diễn chung trên giường, ông muốn thấy cơ thể họ phản ứng với nhau như thế nào. Annaud rất xúc động khi ngay lần đầu tiên, cả hai đã diễn rất ăn ý với nhau.

Những sự chuẩn bị cần thiết cuối cùng

Bốn tháng trước khi quay, Annaud họp đoàn làm phim lại để giải thích cặn kẽ những ý tưởng của ông và những khó khăn mà các kỹ thuật viên sẽ gặp phải khi chuẩn bị đến Việt Nam: “Chúng ta cần chuẩn bị kỹ càng cho những khó khăn sẽ gặp phải ở Việt Nam: Đó là rắc rối về khí hậu mà các bạn không thể tưởng tượng được. Người châu Âu chúng ta khó có thể hình dung được phải làm việc dưới cái nóng 35 độ C, trong điều kiện không có gió và độ ẩm xấp xỉ 100%! Ngay cả buổi tối, trời mát hơn nhưng vẫn không có gió. Tôi hi vọng là chúng ta sẽ chịu đựng được và mọi người không lăn ra ốm cùng một lúc. Việc bị ốm là không thể tránh khỏi, nhưng tôi mong rằng điều đó sẽ không làm tôi bực bội, bởi vì cáu giận là một việc rất không hay khi đứng trước người Việt Nam. Đừng quên rằng họ là những người vừa trải qua một nửa thế kỷ đấu tranh để bảo vệ nhân phẩm của mình”.

Phim khởi quay vào ngày 14/01/1991, khi ấy Jane March mới bước vào tuổi 18 được hai tháng.
(Báo Thể thao văn hóa)

(Phim nói tiếng Pháp ripped từ DVD gốc)

3 Comments:

ducnhuong said...

Cám ơn Anh Thư về những thông tin liên quan tới bộ phim "Người tình" mà bạn đã chia sẻ.
Cách đây không lâu mình đã có dịp ghé thăm căn nhà cổ của ông Huỳnh Thủy Lê tại thị xã Sa Đéc - là người tình đầu tiên của nữ văn sĩ Marguerite Duras và có ghi lại một vài hình ảnh của căn nhà này.

LÊ NGỌC ANH THƯ said...

Wow..cảm ơn ducnhuong :) Mình sẽ qua tìm hiểu thêm

Unknown said...

Thanks bạn, mình rất thích bộ phim này

Post a Comment

Bạn có ý kiến về vấn đề này như thế nào?
(What do you think about it?/ Qu'en pensez-vous?)

Cảm ơn các bạn đã ghé thăm blog mình (✿ ♥‿♥)(♥‿♥ ✿)

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More