Monday, September 9, 2013

CHẨN ĐOÁN ÂM - DƯƠNG, HÀN – NHIỆT VÀ HƯ - THỰC

Lương y Tạ Minh.
 (From: http://taminhdc.blogspot.com)
A/- Hàn – Nhiệt:
Những triệu chứng của hàn nhiệt khá phong phú . Tùy theo  bệnh mà có các chứng khác nhau. Nhưng mấu chốt vẫn là sự ưa hoặc sợ - nóng và lạnh, tăng hay giảm bệnh khi có điều kiện hàn nhiệt tác động . Cho nên rút gọn lại ta chỉ cần lưu ý các hiện tượng sau đây:
1.     Những hiện tượng bệnh chứng thuộc hàn: với toàn thân ta có sợ lạnh, thích ấm, bệnh tăng lên khi gặp yếu tố lạnh. Đối với cục bộ ta  sờ vào vùng có bệnh thấy lạnh  hơn các nơi khác.
2.     Những hiện tượng thuộc bệnh  nhiệt: với toàn thân ta có  sợ nóng, ưa mát, bệnh tăng lên khi gặp yếu tố nóng. Với cục bộ ta sờ vào vùng có bệnh thấy nóng hơn các nơi khác.
3.     Nói cách khác ta có một bệnh nhân có thể tổng trạng  hàn hoặc nhiệt và mắc bệnh chứng hàn hay nhiệt. Tổng trạng và bệnh không bắt buộc phải cùng thể loại.
Không nên đặt các câu hỏi có tính áp chế như : “ hể trời nóng thì bệnh nặng hơn phải không ? “.
Vì lúc này bệnh nhân sẽ dễ bị ám ảnh và hay trả lời xuôi theo câu hỏi “ Phải, hể nóng là đau hơn” Mà nên hỏi : “ Bệnh tăng khi trời nóng hay trời lạnh ?” . Với câu hỏi này bệnh nhân bắt buộc phải suy nghĩ và nhớ lại mới trả lời, thì câu trả lời sẽ khách quan hơn. Nếu bệnh nhân phân vân , ta nên khuyến khích bệnh nhân về xem xét lại và trả lời sau. Không nên hối thúc, bệnh nhân dễ bị rối trí và trả lời sai.
Ta thấy, trong bệnh Dương hư, luôn luôn bệnh nhân sợ lạnh, da lạnh. Trong bệnh Âm hư, bệnh nhân luôn sợ nóng, da nóng. Âm Dương đều hư thì nóng lạnh đều ghét. Biên độ chịu nóng và lạnh của họ rất hẹp. Chưa ai thấy nóng hay lạnh họ đã kêu nóng hoặc lạnh.
Trên lâm sàng hội chứng toàn thân và triệu chứng cục bộ (nơi có bệnh) có khi thống nhất có khi lại không thống nhất nhau. Vì thế cần chẩn đoán hai lần : toàn thân và cục bộ.
1.     Khi toàn thân và cục bộ thống nhất thì toàn thân sợ  cái gì thì cục bộ tăng triệu chứng theo khi gặp cái đó. Thí dụ: trong đau khớp, bệnh nhân sợ lạnh và khi trời lạnh thì khớp đau hơn. Hoặc bệnh nhân sợ nóng và khớp cũng đau hơn khi trời nóng.
2.     Khi toàn thân và cục bộ không thống nhất thì yếu tố nóng và lạnh chỉ ảnh hưởng tới một khía cạnh mà thôi. Hoặc có khi ảnh hưởng trái ngược nhau. Ở đây sẽ khá phức tạp. Vì khớp là loại bệnh chứng thường gặp nhất nên được nêu làm ví dụ điển hình, các bệnh khác cũng suy luận tương tự .
·                     Toàn thân ấm hay nóng mà khớp lạnh: thuần túy là do khớp bị nhiễm lạnh (khớp rất lạnh , đây là bệnh thuộc thực – xem ở phần hư-thực dưới đây) hoặc do toàn thân thiếu máu hoặc chỉ do khớp bị thiếu máu (tại khớp không lạnh lắm như trường hợp trước , đây là bệnh do hư – xem ở phần hư-thực ở dưới). Tuy nhiên trên thực tế  các loại này hay trùng hợp nhau.Ở đây thì khi trời lạnh, khớp sẽ đau hơn. Khi trời nóng khớp lại đau ít.
·                     Toàn thân mát  hay lạnh mà khớp nóng: khớp bị nhiễm nóng hoặc nhiễm trùng nhẹ (nếu nhiễm trùng nặng thì cơ thể bắt buộc phải sốt). Khi khớp nhiễm nóng thì sẽ giãm bệnh (đau) khi gặp yếu tố  lạnh. Nếu là nhiễm trùng thì khớp không giãm đau mà có khi còn đau hơn khi gặp lạnh !!
Trên thực tế đôi lúc chúng ta sẽ lúng túng khi gặp các triệu chứng hàn và nhiệt cùng xuất hiện đến  nổi khó phân định là bệnh thuộc hàn hay nhiệt. Hãy bình tỉnh xem xét. Chú ý đến thể trạng bệnh nhân vì thể trạng là nguồn gốc của mọi vấn đề. Một thể trạng (chính  khí) vững mạnh rất khó nhiễm bệnh. Xem xét trong cơ thể nơi nào lạnh hay nóng nhất. Nơi đó là nơi ngoại tà xâm nhập gây bế tắc cho toàn thân. Điều chỉnh nơi này cho bình thường lại và điều chỉnh tổng trạng cho cân bằng lại thì sự rối rắm nêu trên sẽ mất và các triệu chứng sẽ hiện rõ hơn. Trên lâm sàng nhiều khi tôi chỉ điều chỉnh tổng trạng xong thì bệnh chứng cũng tự  biến mất.
B/- Hư – Thực :
Hư là trống rổng, suy yếu, thiếu thốn. Là bệnh có nguyên nhân do suy yếu hay thiếu thốn. Thí dụ : suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, can dương hư, thận âm hư…………Vì thế  khi nói đến bệnh thuộc hư là nói đến tổng trạng của bệnh nhân hay một tạng phủ nào đó bị suy yếu hỏng hóc. Nguyên nhân làm cho hư thì tùy, có lúc do bản chất tự  hư , có khi do nguyên nhân bên ngoài tác động.
Thực là đầy là dư thừa. Là bệnh do sự dư thừa gây ra. Thí dụ : cảm lạnh là do cơ thể hấp thu nhiều khí lạnh nên bị dư thừa khí lạnh. Cảm nóng là do cơ thể hấp thụ quá nhiều hơi nóng sinh bệnh. Có thể nói bệnh thuộc thực  là do nguyên nhân bên ngoài tác động vào khiến cơ thể không chịu đựng nỗi mà phát bệnh .
Điều khó nhất là chẩn đoán đúng về Hư  - Thực vì dương chứng có thể do dương vượng có thể do âm hư. Âm chứng có thể do âm vượng có thể do dương hư. Cần nhớ rằng chứng có thể là chứng của tổng trạng có thể là chứng của riêng căn bệnh mà thôi. Phải biết phân biệt đâu là của toàn thân đâu là của riêng căn bệnh.
Trên thực tế, kinh nghiệm cho biết bệnh thuộc thực thì triệu chứng mạnh mẽ, dữ dội, ồn ào, rõ rệt. Bệnh thuộc hư thì triệu chứng nhẹ nhàng, dịu dàng, phơn phớt, kín đáo. Kín đáo đến mức đôi khi bệnh nhân không cảm nhận được. Tuy việc chẩn mạch sẽ cho biết tương đối rõ về bệnh hư thực nhưng việc học chẩn mạch không dễ. Cần sự truyền thụ trực tiếp giữa thầy và trò. Đồng thời cần kinh nghiệm nhiều trong việc xem mạch. Vì thế trong thời gian qua, sau khi tìm hiểu và theo dỏi tôi tìm ra hiện tượng nêu trên. Điều còn lại là khi thấy triệu chứng thực hay hư thì phải tìm cho được vì đâu mà có triệu chứng này. Chỉ cần biết cách đặt câu hỏi cho phù hợp, kết hợp với óc suy luận phán đoán, khám kỹ theo tất cả các kỹ thuật khám bệnh đã biết thì việc chẩn đoán bệnh thuộc hư hay thực trở nên dễ dàng hơn. Cần xem thêm các bài “Chẩn đoán hàn nhiệt bằng huyệt DC” và “ Làm sao để đạt tứ  đắc ” của tôi.
C/- Âm Dương:
Trong Đông y, Âm Dương là tổng cương của 6 cương lĩnh kia (hàn , nhiệt, hư, thực, biểu, lý). Ba cương thuộc Dương là nhiệt (nóng), thực(dư thừa), biểu(bên ngoài). Ba cương thuộc âm là hàn (lạnh), hư (suy yếu), lý (bên trong). Có thể nói khi một bệnh nhân xuất hiện đủ triệu chứng của ba cương thuộc âm hoặc dương là có thể kết luận bệnh thuộc Âm hay bệnh thuộc Dương. Trong các y án, khi người ta nói “dương chứng” có nghĩa là triệu chứng thuộc Dương (chứng nhiệt, chứng thực, chứng ở biểu) - tương tự cho từ ngữ  “ âm chứng”. Nhưng có lúc chỉ có hai trong ba khía cạnh thôi, người ta cũng nói là Dương chứng hay Âm chứng. Điều này do thói quen và không ảnh hưởng gì đến kết quả chẩn đoán vì thường là bệnh đơn giản mới nói như vậy. Tuy nhiên trong thực tế thì hiếm khi triệu chứng lại thuần nhất đến như vậy mà thường pha trộn vài triệu chứng  thuộc âm vài triệu chứng thuộc dương. Nếu bệnh phức tạp thì bắt buộc người ta sẽ nói kỹ hơn như một số từ thường gặp: hư nhiệt (nóng do hư), hư hàn (lạnh do hư), biểu nhiệt lý hàn (ngoài nóng trong lạnh), biểu hàn lý nhiệt (ngoài lạnh trong nóng), biểu hư lý thực (ngoài hư, trong thực)…..v.v……Hoặc cẩn thận hơn người ta sẽ liệt kê đầy đủ các triệu chứng thuộc âm và thuộc dương trước khi kết luận .
Tóm lại, Dương hay Âm chỉ là tổng kết triệu chứng của ba cương lĩnh thứ cấp của chúng trong Bát Cương mà thôi. Tuy nhiên nói như vậy là cũng chưa đầy đủ vì ÂM và DƯƠNG còn là 2 thành phần cơ bản của cơ thể. Điều này khá phức tạp , xin được đề cập ở dịp khác.
KẾT LUẬN:
Như vậy, khi chẩn đoán bệnh ta luôn cần chẩn đoán bệnh thuộc hàn hay nhiệt, hư hay thực cùng lúc để có kết luận tương đối đủ và đúng . Trong Đông y thì còn cần biết thêm về biểu (bên ngoài) và lý (bên trong), nhưng với DC thì hai yếu tố này không cần thiết nên tôi lược bỏ. Xin xem thêm bài “Một số khái niệm thường gặp”.
CHÚ THÍCH:
·        Dương chứng: chứng thuộc dương gồm có chứng nhiệt, chứng thực, chứng xuất hiện bên ngoài.
·        Âm chứng: chứng thuộc âm gồm chứng lạnh, chứng hư, chứng thuộc bên trong.
·        Biểu chứng: chứng xuất hiện bên ngoài cơ thể có thể thấy, sờ được như các bệnh ngoài da, bệnh viêm khớp…………
·        Lý chứng: chứng thuộc bên trong là các bệnh chứng của tạng phủ như viêm gan, viêm dạ dày, suy thận………….
·        Chính khí: sức lực  tổng thể của bệnh nhân, sức mạnh nội tại, sức đề kháng. Còn được gọi là nguyên khí.
·        Tà khí: yếu tố  gây bệnh như vi khuẩn, thời tiết khắc nghiệt, môi trường ô nhiễm, thức ăn không hợp…...nên thường gọi là ngoại tà.
·        Bát cương: là 8 cương lĩnh (giềng mối) dùng trong chẩn đoán của Đông y, gồm có Âm, Dương, Hư, Thực, Hàn, Nhiệt, Biểu , Lý. Rất đơn giản nhưng bao trùm phương pháp luận chẩn đoán của Đông y. Rất hiệu nghiệm nếu nắm vững kỹ thuật chẩn đoán này khi cùng phối hợp với Tạng tượng.

Bài viết này chưa phải là bài giảng về Bát Cương mà chỉ nêu lên những mấu chốt của bát cương mong giúp các bạn sau này có cơ hội đọc sách Đông y sẽ dễ lĩnh hội hơn mà thôi.

      TP. Hồ Chí Minh 1993.



=============================================

CHẨN ĐOÁN NHANH HÀN – NHIỆT

LY. TẠ MINH
(From: http://taminhdc.blogspot.com)
Chẩn đoán bệnh thuộc hàn hay nhiệt là việc cần làm trước khi điều trị để tránh sai lầm. Việc này vừa dễ dàng vừa rắc rối. Dễ khi bệnh mới phát hay bệnh đơn giản. Rắc rối khi bệnh đã lâu hoặc bệnh phức tạp. Nhưng nếu các bạn nắm vững nguyên tắc sau đây thì vấn đề cũng không đến nổi khó. Đó là cần tách ra hai phần riêng biệt: tổng thể và cục bộ.
Đối với toàn thân, toàn thân sợ cái gì là cơ thể đang mắc thể bệnh đó. Cơ thể đang bị nhiệt thì sẽ cảm thấy sợ những yếu tố nóng. Cơ thể đang bị hàn thì sẽ cảm thấy sợ những yếu tố lạnh. Các yếu tố nóng hay lạnh gồm thời tiết (nắng mưa gió bão), môi trường sinh hoạt (ngoài trời, trong nhà, phòng máy lạnh, nhà bếp…), thức ăn uống (nhiều hay ít năng lượng).
Đối với cục bộ nơi có bệnh cụ thể (viêm xoang, đau thần kinh tọa, viêm dạ dày…vv.) cũng tương tự. Nhưng cũng có không ít trường hợp ngoại lệ, cần thận trọng. Xin xem thêm bài “Chẩn đoán theo Bát Cương”, “Chẩn đoán hàn nhiệt bằng huyệt DC”. (http://taminhdc.blogspot.com)
Trong bài này, tôi cống hiến thêm cho các bạn một phương pháp chẩn đoán hàn nhiệt thuần túy theo DC-ĐKLP mà tôi đã tìm ra sau nhiều năm thực hành, có thể nói rất chính xác trong chẩn đoán cục bộ nơi có bệnh….mà lại dễ thực hành và kết quả nhanh chóng tức thì.
Dùng cây lăn đinh lăn trên mặt, vào vùng phản chiếu nơi có bệnh. Nếu có hiện tượng đau như kim châm chích là bệnh thuộc nhiệt; bạn sẽ dùng cây lăn đinh để trị. Nếu nơi lăn không đau thì bệnh thuộc hàn, phản chiếu sẽ báo nóng với ngải cứu; bạn sẽ dùng ngãi cứu để trị. Nếu nơi lăn bằng lăn đinh không đau mà chỉ đau bằng que dò thì hàn nhẹ, có thể chỉ day hay cào có xoa dầu để trị bệnh chớ không cần hơ ngãi; trường hợp này hơ ngãi cũng được nhưng hơi mạnh hơn mức cần thiết, rất dễ bị quá liều gây phản ứng phụ không tốt.
Thí dụ: bệnh nhân đau mông trái, ta dùng lăn đinh lăn cánh mũi trái (phản chiếu mông trái). Nếu cánh mũi trái đau khi lăn bằng lăn đinh thì mông trái của bệnh nhân bị đau do nhiệt. Nếu cánh mũi trái của BN không đau, ta dùng ngải cứu dò vùng cánh mũi trái đúng kỹ thuật, vùng này sẽ hút nóng.
Mời các bạn dùng thử kỹ thuật đơn giản này để chẩn đoán về hàn nhiệt.
Lương y Tạ Minh.1993.


======================================
CHU KỲ 12 KINH KHÍ.
  Lương y Tạ Minh
Cơ thể có 12 tạng phủ, khí của chúng liên lạc ra bên ngoài bằng 12 kinh. Mỗi kinh có giờ chủ đạo riêng. Đến giờ chủ nào, kinh khí đó vượng nhất. Thông qua hiện tượng này, người xưa dùng nó để tả hay bổ cho chúng. Nay, tôi lại dùng nó vào việc chẩn đoán truy tìm bệnh gốc thuộc kinh khí nào và điều chỉnh kinh khí đó để điều trị . Chỉ khi nào bệnh thuộc lãnh vực khí của kinh thì biện pháp này mới có tác dụng. Đôi khi bệnh chỉ do kinh khí gây ra, có khi bệnh do cả tạng và kinh khí. Do đó, hiệu quả điều trị cho ta biết bệnh thuộc khía cạnh nào.
Trên nguyên tắc, khi kinh khí có bệnh thì cứ đến giờ chủ đạo của nó thì triệu chứng bệnh tăng lên. Có hai trường hợp thực và hư. Thực là kinh khí đó quá mạnh. Hư là kinh khí đó suy yếu. Thực thì làm giãm khí lực của nó. Hư thì tăng khí lực nó lên, nếu không hiệu quả thì ta giãm khí lực của kinh khí đối lập của nó, được tính theo giờ đối lập.
Thí dụ: một bệnh nhân khi ngũ hể cứ tới gần 2  giờ sáng là thức giấc, qua 3 giờ mới ngũ lại được, đây là giờ Sữu là giờ của Can khí. Nếu là chứng thực ta day  hay áp lạnh 50,70, nếu là chứng hư ta hơ nhẹ hay dán cao hay xức dầu 50,70. Vì hơ nhẹ ,dán cao, hay xức dầu là bổ, day hay áp lạnh là tả. Nếu không thành công ta chọn kinh khí có giờ đối lập là giờ Mùi, giờ của Tiểu trường.
Tương tự cho các loại bệnh chứng khác.
Bài thơ vắn tắt diễn tả giờ chủ đạo của 12 kinh khí:

Phế Dần, Đại Mão, Vị Thìn cung,
Tỳ Tị, Tâm Ngọ, Tiểu Mùi trung.
Bàng Thân, Thận Dậu, Tâm bào Tuất,
Hợi Tiêu, Tí Đởm, Sữu Can thông.
 TP. Hồ Chí Minh  1993

 ===========================================
CHU KỲ LỤC KHÍ
Lương y Tạ Minh
Trong cơ thể có 6 khí (chia ra 12 kinh khí) tương ứng với 6 khí trong thiên nhiên: Thái dương, Thiếu dương, Dương minh, Thái âm, Thiếu âm, Quyết âm. Trong một ngày 24 giờ, 6 khí luân chuyển theo từng 4 tiếng đồng hồ nối tiếp nhau. Trong giờ của khí nào , khí đó vượng nhất. Khí đó suy nhất khi thuộc giờ đối của nó (TD : 9g đối với 21g) Áp dụng trong chẩn đoán ta có bệnh tăng hay giảm vào giờ thiên khí vượng hay suy. Suy ra :
·       Nếu giờ thiên khí vượng mà bệnh tăng là kinh khí hay tạng phủ tương ứng bị thực. Hoặc kinh khí tạng phủ đối xứng của nó bị suy. Thí dụ: bệnh tăng từ 9 giờ đến 13 giờ, sau đó giảm nhẹ là giờ thuộc thiên khí Thái dương. Suy ra kinh khí Thái dương thực hay kinh  khí Thái âm suy. Việc còn lại là tìm xem Thủ hay Túc kinh bị bệnh mà xử lý thích hợp.
·                     Nếu giờ thiên khí vượng mà bệnh giãm thì kinh khí hay tạng phủ tương ứng của nó bị suy. Ta chỉ bổ chính nó.
            TP. Hồ Chí Minh. 1993
=====================================

10 BỘ HUYỆT CĂN BẢN ĐỂ ĐIỀU CHỈNH TỔNG TRẠNG

(PHỤC HỒI CHÍNH KHÍ)
(Từ: http://taminhdc.blogspot. com)

1. BỘ THĂNG
  Tạ Minh.
     Thăng và giáng là hai thủ pháp thường gặp trong y học cổ truyền. Chữ THĂNG ở đây là nói gọn cho dễ nhớ, nói đầy đủ là THĂNG BỔ DƯƠNG KHÍ. Hẳn nhiên  nó không thay thế cho tất cả các liệu pháp tương tự đã có trong y khoa (cùng mục đích), cũng như  giải quyết được tất cả các trường hợp hư suy dương-khí. Nhưng nó sẽ góp phần không nhỏ trong việc trị bịnh bằng Diện chẩn-ĐKLP. Qua quá trình tìm tòi thử nghiệm và đã thành công trên thực tế trong thời gian qua, nay tôi xin trình bày như sau.

A-   PHÁC ĐỒ – KỸ THUẬT TÁC ĐỘNG :
127 , 50 , 19 , 37 , 1 , 73 - + , 189 , 103 ,  300 - +,  0 - +.
Nguyên tắc chung: theo thứ tự  từ  dưới lên và từ trái sang phải.
Sức mạnh của phác đồ được sắp xếp theo thứ tự như sau:
1-     Hơ rồi xoa dầu rồi dán cao.
2-     Hơ, dán cao.
3-     Hơ, xoa dầu.
4-     Hơ thuần túy.
5-     Châm kim nếu cần, tuy nhiên kỹ thuật này dễ gây vựng châm. Hiện nay chúng ta không còn dùng kim mà thay thế kim châm bằng kỹ thuật rung huyệt.
6-      Day ấn bằng dầu.
7-     Day ấn, dán cao.
8-     Dán cao hoặc xoa dầu.
9-     Rung huyệt hoặc day ấn bằng vaseline hoặc bất cứ một loại dầu nào khác không hại da như dầu ăn, dầu dừa, kem dưỡng da của phụ nữ … , nhằm mục đích tránh trầy da khi day quẹt.
10- Lăn , gõ.
          ( Xem thêm bài ‘’Hướng dẫn kỹ thuật sử dụng dụng cụ’’trong sách Bài Giảng. )

B-    TÁC DỤNG :
Bộ Thăng có những tác dụng chính sau đây :
-        Thăng Khí, bổ khí, thăng Dương, bổ Dương. Tùy theo ý đồ mà chọn kỹ thuật thích  hợp.
-        Hành khí hành huyết nhưng hành khí mạnh hơn rõ nét hơn.
-        Tăng sức đề kháng về thời khí cho cơ thể.
-        Làm ấm người toàn thân. Xua tan hàn khí nhiễm vào người.
-        Làm hưng phấn thần kinh.

C-    CHỦ TRỊ :
            Bộ THĂNG có tác dụng hầu hết trong những bịnh chứng có gốc hàn, rõ nét nhất là do hàn tà thực. Có thể nêu một số bịnh chứng thường gặp như cảm lạnh, trúng gió lạnh, mắc mưa, viêm phế quản do lạnh (không có tác nhân hóa lý), sa nội tạng nhẹ, tự hãn v.v… Nhưng điều trị lâu dài cần nhận định đúng căn bịnh để linh động.
Ứng dụng của bộ THĂNG rất rộng, tuy nhiên muốn dùng tốt cần có một vốn y lý cơ bản Đông y để phân biệt hàn nhiệt hư thực.

D-   CHỐNG CHỈ ĐỊNH :
Bộ THĂNG rất mạnh khi dùng trọn bộ, nhất là với kỹ thuật hơ nóng dán cao, xoa dầu hoặc châm kim.
Không nên dùng bộ THĂNG trong các trường hợp sau:
-   Bịnh nhân có thể trạng âm hư huyết kém, người gầy khô.
-   Huyết áp cao dương chứng. Nhất là với các dạng huyết áp cao có cholesteron, có xơ mỡ động mạch.
-    Các bịnh có nhiệt ở lý như : tiêu khát (tiểu đường), hư lao (suy nhược cơ thể nặng)
-    Các bịnh có nhiễm trùng vì dễ gây bội nhiễm.
-    Các bịnh viêm loét vì dễ gây xuất huyết.
Ba trường hợp sau có thể dùng với kỹ thuật day vaseline khi có kèm bệnh cấp do nhiệt. Nhưng cần xem xét theo dõi kỹ để tránh sai lầm.

E-    KINH NGHIỆM LÂM SÀNG :
1-     Trường hợp người bịnh vừa kém về huyết vừa suy về khí, nếu dùng trọn bộ THĂNG sẽ gây thiên lệch về khí huyết vì nó chủ thăng bổ khí. Trường hợp này nên dùng bộ BỔ TRUNG thích hợp hơn  (xem bộ BỔ TRUNG).
2-     Cắt cơn tăng huyết áp âm chứng có các triệu chứng như sau:HA tăng đột ngột mà trong lúc bình thường có thể thuộc loại thấp, toàn thân hay tứ chi hay chỉ bàn chân lạnh, đặc biệt HA rất khó đo vì kim giật rất nhẹ tiếng đập ở ống nghe rất nhỏ; dùng que dò khám thấy đau ở hai huyệt 1 và l9 mà 26 và 143 không đau; có khi cả 4 huyệt này đều không đau (xem bài chẩn đoán hàn nhiệt  bằng huyệt Diện chẩn). Điều trị: Dùng ngãi cứu  hơ và xoa dầu  mỗi huyệt 3 lần. Lưu ý: phải hội đủ các triệu chứng  kể trên, nếu không ta sẽ sai lầm lớn khi đó là một cơn cao HA Dương chứng.
Nếu tứ chi lạnh ngắt mà cả 4 huyệt đều đau thì đây là cơ địa Dương chứng mà trúng lạnh bất ngờ làm tăng thêm HA, trường hợp này khó, không nên can thiệp nếu không kinh nghiệm, nên cho đi bệnh viện.
      Việc điều trị chứng cao HA về lâu dài cần hiểu sinh bệnh lý để tìm ra căn bịnh. Biện pháp nêu  trên chỉ là tạm thời cắt cơn mà thôi, không phải là giải pháp điều trị.
3-     Nhức khớp: đau nhức mà không nóng đỏ, trái lại sờ tay vào khớp thấy lạnh hơn các nơi khác. Nếu bịnh nhân không bị thiếu máu quá ta có thể dùng bộ THĂNG. Kết quả nhanh và không tốn công dùng thêm các huyệt phản chiếu bộ vị khi có nhiều khớp đau.
Tuy nhiên, khi khớp bị thoái hóa thì liệu pháp này không kết quả, chỉ mang tính  cắt cơn mà thôi. Không nên dùng lâu dài có hại cho khớp.
4- Nhức đầu mạn tính: có lúc hoàn toàn thoải mái, có lúc nhức dữ dội. Đó là lúc có lạnh xâm nhập. Dùng BỘ THĂNG để cắt cơn, điều trị lâu dài cần tìm hiểu tổng thể của bịnh nhân để điều chỉnh lại cho quân bình.

F-    VẤN ĐỀ  ĂN UỐNG, SINH HOẠT :
Khi sử dụng bộ THĂNG cần kiêng cử :
-   Ăn uống: không dùng các thứ quá mát lạnh như nước đá, kem, yaourt lạnh, nước ướp lạnh, cam, nước dừa, bia, khổ qua, đậu đen, đậu xanh, rau má, thanh long, các thứ có vị chua.
-    Sinh hoạt: cử tắm đêm, dầm mưa, dùng quạt máy, phòng lạnh, nằm ở nền nhà không có nệm, đi chân trần trong nhà, khi ngủ nên mang vớ giữ ấm chân.

G-   KẾT LUẬN :
Tác dụng của bộ THĂNG rất rộng và rất mạnh. Khi áp dụng một cách máy móc dễ gây thiên lệch về âm dương khí huyết .
Chẩn đoán kỹ về âm dương, khí huyết, hàn nhiệt, hư thực là việc cần làm trước khi bắt tay vào điều trị .
Ước lượng tình hình, theo dõi sít sao diễn  biến lâm sàng  ngay tại chỗ và về sau để có giải pháp, cường độ điều trị thích hợp .
Luôn luôn dò sinh huyệt để kiểm chứng trước và trong khi điều trị để đề phòng sai lầm.

     TP Hồ Chí Minh, 08-12-1998.


2. BỘ GIÁNG
Tạ-Minh. 
Khái quát thì bộ Giáng có tính chất ngược lại với bộ Thăng. Tầm ứng dụng không rộng rãi như bộ Thăng và thuộc khía cạnh gần như đối lập.

A-   PHÁC ĐỒ – KỸ THUẬT :
124 + - , 106,  34+ - ,  26,  61+ - , 3+ - , 143,  39, 14+ -, 222+ - , 85+ - ,156+ -, 87.
Không phải lúc nào cũng dùng trọn tất cả các huyệt nêu trên. Phải dò sinh huyệt để dùng cho thích ứng với tình hình bịnh. Có khi phải tùy theo tổng trạng của bịnh nhân mà chọn lọc lại, chỉ dùng một số trong số các sinh huyệt được tìm thấy chứ không dùng tất cả các sinh huyệt.
Dò và tác động huyệt theo thứ tự nêu trên. Đối với các huyệt kép thì tác động huyệt bên phải trước, bên trái sau (của người bịnh).
Kỹ thuật  an toàn và thích hợp nhất là dùng kỹ thuật rung huyệt, hoặc dùng lăn và que dò để ấn day hoặc quẹt vào huyệt bằng vaseline hoặc các loại dầu nhờn vô hại như dầu ăn hoặc kem dưỡng da. Cũng có thể day thật nhẹ phơn phớt không cần vaseline vào mặt da ở những người trẻ tuổi, da không quá khô.
Nếu sốt cao nên dùng nước đá áp vào huyệt, mỗi huyệt một phút để cắt cơn sốt.

B- TÁC DỤNG :
Các tác dụng chính :
Giáng khí: tác dụng cao trong trường hợp thực nhiệt.
Hạ nhiệt: tính hạ nhiệt khá mạnh khi dùng trọn bộ.
An thần: tính an thần rõ nét.
Tiêu viêm: chỉ có tính hỗ trợ, vì tính tiêu viêm của nó không mạnh bằng một số phác đồ khác.

C- CHỦ TRỊ :
             Bộ GIÁNG là phác đồ chủ lực trị các bịnh thuộc THỰC NHIỆT. Trong lãnh vực hư  nhiệt thì chỉ được dùng khi cần đối phó tạm thời với triệu chứng (khó dùng vì cần vững y lý Đông y và phải kỹ lưỡng), không dùng trong điều trị lâu  dài.
 Nên dùng cho các trường hợp sau: Các chứng sốt do nhiễm phải khí nóng đều cần dùng BỘ GIÁNG. Trước hết nó hạ sốt cho bịnh nhân, đề phòng chứng kinh giật do sốt cao – sau đó sẽ tìm nguyên nhân gây bịnh đề điều trị tận gốc. Một số bịnh thường gặp: trúng nắng, sốt do nhiễm trùng dĩ nhiên chỉ để giảm sốt còn diệt trùng thì nên dùng kháng sinh, sốt không rõ nguyên nhân (với điều kiện chân không lạnh).
Qua tính an thần, giáng khí, hạ nhiệt, bộ GIÁNG được dùng cắt cơn tăng Huyết áp DƯƠNG CHỨNG, với các triệu chứng sau: mạch vùng Thái dương (màng tang) nổi cộm, mạch cổ tay thuộc dạng Kiên, Hoạt, Thực, chân không lạnh, mặt mắt có thể đỏ; đo HA thấy kim đồng hồ giật mạnh, tiếng ở ống nghe đập lớn, hai huyệt 26 và 15 có thể 143 rất đau. Trường hợp này nên day huyệt  15 trước khi dùng BỘ GIÁNG.
Ngoài ra có thể dùng trong những trường hợp suyễn thực nhiệt. Trường hợp uất nhiệt bên trong tạng phủ như Vị, Tỳ, Can …v.v.. Những trường hợp mất ngủ do hưng phấn, lo lắng suy nghĩ nhiều làm mất ngủ (chỉ có giá trị khi thể trạng bịnh nhân chưa suy yếu). Những trường hợp thần kinh chức năng của một cơ quan hưng phấn gây xáo trộn sinh lý cơ quan, tạng phủ.
Lãnh vực ứng dụng của BỘ GIÁNG khá rộng nhưng tốt nhất vẫn là dùng để trị các bịnh THỰC NHIỆT.

D- CHỐNG CHỈ ĐỊNH :
Thực tế cho thấy BỘ GIÁNG chỉ có tính tả chứ không có tính bổ. Do đó không dùng bộ Giáng trong các chứng hư nhiệt (những triệu chứng nóng âm ĩ, nóng sau buổi trưa  ở người bịnh suy nhược) những người bịnh mất ngủ lâu ngày, ăn uống kém, gầy yếu xanh xao.

E- ỨNG BIẾN LÂM SÀNG :
1-   Cắt  cơn sốt bằng nước đá áp vào huyệt. Ở đây chỉ cần dùng các huyệt sau đây theo thứ tự: 26, 3, 143 hay 173, 87. Với các cục nước đá chừng bằng đầu ngón tay cái, áp mỗi huyệt chừng một phút rồi đổi sang huyệt khác cho đến khi hết sốt.
2-   Một số trường hợp bịnh tâm thần mới phát thuộc chứng cuồng trong Đông y, các chứng trúng nắng. Nên ứng biến như sau : chỉ dùng các huyệt sau đây theo thứ tự 124 -, 106 , 34 - , 26, 61 - , 3- , 143, 39, 14 - , 222 - , 85 - , 87.
Có thể tùy nghi sử dụng các kỹ thuật áp lạnh, day bằng vaseline hoặc châm kim. Biện pháp này cũng dùng được trong trường hợp sốt cao do viêm nhiễm cấp (với điều kiện chân không lạnh).

G-    KẾT LUẬN :
Bộ GIÁNG hữu hiệu trong các chứng nhiệt dù ở biểu hay ở lý. Nhưng chỉ có tính TẢ CHỨ KHÔNG BỔ. Cẩn thận trong khi sử dụng để không hại nguyên khí của bịnh nhân .

     TP. Hồ Chí Minh, 9-12-1998.

3. BỘ BỔ TRUNG

           Tạ-Minh

1-/ PHÁC ĐỒ.
-        127, 50, 19, 37, 1, 7 - +, 0 - +.

2-/ KỸ THUẬT.
     Day vaseline, gõ, day dầu hoặc dán cao hoặc hơ nóng xức dầu. Tùy  tình hình tổng trạng của bệnh nhân  mà chọn kỹ thuật  thích hợp.

3-/ TÁC DỤNG CHỦ TRỊ.
     Bổ trung tiêu, bổ nguyên khí ở cấp độ nhẹ, trợ tiêu hóa, tăng sức đề kháng, tăng lực nhẹ đến vừa phải. Hỗ trợ trong việc trị mọi bệnh chứng có hư suy. Có thể dùng bồi bổ cho các trường hợp suy nhược cơ thể nhẹ chưa ảnh hưởng đến phần âm huyết (đây là bộ huyệt tiền đề cho bộ BỔ ÂM HUYẾT sau này).

4-/ KINH NGHIỆM LÂM SÀNG.
     Có một số trường hợp bệnh nhân bị khí huyết lưỡng suy, hoặc âm dương lưỡng suy ta không thể dùng bộ THĂNG  vì có thể làm lệch quân bình. Trường hợp này nên dùng bộ BỔ TRUNG ở bàn chân,phối hợp với BỔ ÂM HUYẾT ở mặt để bổ dương – khí và huyết chầm chậm vì lúc này sức chịu đựng của bệnh nhân rất kém, không thể bổ nhanh được.Bộ huyệt này cũng thuộc loại an toàn nếu chỉ dùng day vaseline, nhưng không nên dùng trong trường hợp có huyết áp cao dương chứng.

-----ooOOOoo-----

4. BỘ THIẾU DƯƠNG

         Tạ Minh

PHÁC ĐỒ :

-        324, 24, 41 (437), 235, 290, 184, 34, 156.

KỸ THUẬT :
Trước hết cần chẩn đoán bệnh thuộc hàn hay nhiệt rồi  điều trị mới có kết quả (xem lại bài CHẨN ĐOÁN HÀN NHIỆT BẰNG HUYỆT DIỆN CHẨN).
Bệnh thuộc hàn: day dầu theo thứ tự trên, mỗi huyệt 30 cái, dán cao salonpas nếu được. Nếu không đạt hiệu quả cao (giảm đau từ  3/10 trở lên ngay tại chỗ) thì nên dùng ngãi cứu hơ nóng mỗi huyệt 3 lần có bôi dầu.
Bệnh thuộc nhiệt: hiệu quả cao nhất là áp lạnh (khó làm nếu chưa kinh nghiệm). Châm bằng kim cũng rất mạnh. Nếu không biết châm hoặc bệnh nhân không thích châm có thể day ấn bằng vaseline mỗi huyệt 30 cái, ba vòng cho một lần điều trị, giải pháp này hiệu quả kém hơn. Có thể rung mỗi huyệt 10 giây.

TÁC DỤNG, CHỦ TRỊ :
Bộ THIẾU DƯƠNG này chuyên hòa giải kinh khí Thiếu Dương.
Có thể dùng trong các bệnh: nhức nửa đầu (migrain, thiên đầu thống); tăng nhãn áp (glaucome, cườm nước), hàn nhiệt vãng lai (lúc nóng lúc lạnh); sốt rét (chỉ giúp hạ cơn, không phải điều trị) ; uất ức tâm lý (tức giận nhưng không phát tiết được, một dạng stress); một số rối loạn chức năng gan mật.

KINH NGHIỆM LÂM SÀNG :
-   Trường hợp hiệu quả kém trong nhức đầu có thể thêm 12, 240, 107.
-   Nếu  có tăng nhãn áp thêm 16, 199. Tuy nhiên đây là một bệnh nguy hiểm vì có thể gây mù lòa khi không chữa được nên nếu không vững vàng thì không nên trị. Bệnh này sẽ được trình bày chi tiết trong mục “bệnh mắt” ở cuối sách.
-    Trường hợp stress, nếu hiệu quả kém có thể thêm 124, 34, 106, 173 hoặc 143, 3 -
-    Rối loạn gan mật cần xác định sinh huyệt vùng gan mật.
-     Nếu nhức đầu do dị dạng mạch máu não, biết được qua chụp CT hoặc MRI, chỉ giảm đau chứ  không trị khỏi được. Khuyên bệnh nhân theo chỉ định của bệnh viện  để giải phẫu khi cần. Vì đây cũng là một loại bệnh chứng nguy hiễm cho sức khỏe của bệnh nhân .
-     Chú ý : vị trí huyệt 131 chính xác ở giữa tuyến L và khóe mắt ngoài, nó chính là huyệt Ngư Vỹ trong Thể Châm, nay (2011) được thay bằng huyệt 24 trong hình huyệt ấn bản 2003 của thầy Châu. Huyệt 199  ở giữa huyệt 197 và 421.


5. BỘ ĐIỀU HÒA

Tạ Minh

      Cơ thể như một cơ quan, xí nghiệp. Một cơ quan có đầy đủ các nhân viên phòng ban, nhưng nếu họ không hòa thuận mà bất hợp tác thì cơ quan này không thực hiện được chức năng, công việc đình trệ. Cơ thể cũng vậy, nhiều khi bịnh nhân thấy có bệnh mà các hệ thống cơ quan không hề có vấn đề gì. Trường hợp này nếu cố chữa, đôi khi lại gây thêm bệnh cho bịnh nhân.
      Trong cơ quan muốn mọi việc trôi chảy, cần hòa giải mọi người với nhau, không cần khiển trách hay đổi thay nhân sự nào. Cơ thể cũng vậy, không thể trách cơ quan bộ phận nào mà chỉ nên tạo sự liên kết giữa chúng với nhau là được.
       Tôi xin giới thiệu BỘ ĐIỀU HÒA có thể thực hiện ý định này.

A- PHÁC ĐỒ, KỸ THUẬT :
-   A: 34, 290, 156, 39, 19, 50, 3, 36.
-   B: 106, 1, 127, 39, 19, 50, 3, 36.
Dò huyệt theo từng phác đồ, phác đồ nào có nhiều huyệt báo đau hơn thì dùng phác đồ đó, day bằng vaseline chừng 30 cái nhè nhẹ mỗi huyệt theo thứ  tự. Cũng có thể dán cao, tùy trường hợp mà dùng.

B- CHỈ ĐỊNH :
Thông thường những trường hợp sau đây nên dùng bộ ĐH :
   Cơ thể mất quân bình nhẹ, rối loạn chức năng nhẹ, bịnh nhân cảm thấy không thoải mái nhưng không có hiện tượng bệnh rõ ràng. Như  ăn ngủ lúc được lúc không, người lúc mệt lúc khỏe …
   Thân nhiệt bịnh nhân không điều hòa nhẹ: trên dưới-trước sau-trong ngoài, nóng lạnh không đều nhẹ. Tương tự chứng tâm thận bất giao nhưng rất nhẹ.
   Một số trường hợp tăng huyết áp nhất là HA vô căn.
      
Triệu chứng có rất nhiều, không thể kể hết. Chỉ cần nhớ “bệnh mà hình như không phải bệnh”, “bệnh lúc có lúc không”, “bệnh giả đò” là được.

C- KẾT LUẬN :
   Ưu điểm của bộ huyệt này là rất an toàn. Hầu như  không gây sốc cho bất cứ ai. Nên dùng khi gặp những trường hợp phức tạp không chẩn đoán ra bệnh thuộc khía cạnh nào trong Bát cương. Sau khi dùng một thời gian, triệu chứng sẽ định hình dần lúc ấy ta chẩn đoán lại và định hướng điều trị lại cho phù hợp.
            Yếu điểm của bộ huyệt này là rất kém khi điều trị những bệnh rõ ràng trong lãnh vực Bát cương, hoặc những bệnh có đau nhức.

Tp Hồ Chí Minh, 7-1-1989.


6. TIÊU VIÊM.

TẠ MINH


PHÁC ĐỒ

-        106, 26, 37, 50, 61, 38, 156, phản chiếu nơi bị viêm.

KỸ THUẬT
Mỗi ngày điều trị  một lần. Tùy hàn chứng hay nhiệt chứng nặng hay nhẹ mà chọn kỹ thuật  thích hợp:

Hàn chứng

-    Dán cao salonpas, lưu khoảng 2 tới 3 giờ.
-    Day dầu 30 lượt mỗi huyệt. Giữ  khô vùng huyệt tác động trong 2 giờ.
-    Hơ: xức dầu và hơ  nóng một đến 3 lần mỗi huyệt.

Nhiệt chứng

-    Châm: lưu kim  20 phút.
-    Day vaseline , mỗi huyệt  chừng 30 cái.
-     Xung  điện: tùy tần số nhanh chậm mà quyết định thời gian.
-     Ấn: 30 giây mỗi huyệt .Phải đếm theo đồng hồ mới chính xác.
-     Gõ: 20-30 cái mỗi huyệt.
-     Rung huyệt: mỗi huyệt chừng 10 giây đồng hồ.

PHẠM VI SỬ DỤNG
Bộ huyệt này có tác dụng kháng viêm rất tốt. Đặc biệt những trường hợp viêm do chức năng. Những trường hợp này không cần phối hợp với thuốc vẫn đạt hiệu quả cao.
Kém tác dụng trong những trường hợp viêm do vi trùng, nên phối hợp với thuốc tây. Vì vậy cần chẩn đoán đúng trước khi điều trị. Hoặc đơn giản hơn khi trị thấy không có hiệu quả rõ ràng thì ngưng trị ngay để chuyển hẳn cho Tây y  hoặc phối hợp nếu thuận tiện.

KINH NGHIỆM
Hiệu quả rất cao cho những u nhọt, mụn bọc , mụt lẹo (chắp mắt) khi dán cao salonpas. Nếu u nhọt chưa có mủ thì mụt tự  tiêu, nếu mụt đã có mủ trắng thì có thể vỡ mủ trước rồi mới xẹp sau, cứ yên tâm điều trị tiếp cho đến khi khỏi hẳn.
Khi kết hợp với kháng sinh hiệu quả nhanh hơn hẳn so với chỉ dùng thuần kháng sinh. Khi viêm cấp có sốt cao nên dùng nước đá phối hợp với bộ GIÁNG để tấn công bệnh càng nhanh càng tốt (khi hết sốt thì ngưng dùng nước đá).
Cũng có thể dùng trong các trường hợp viêm nội tạng, áp-xe nội tạng.
Đặc biệt hiệu quả cao trong viêm phế quản đối với trẻ em, dĩ nhiên cần phối hợp với phản chiếu phế quản. Ngoài ra còn được dùng trong điều trị viêm xoang rất tốt (cần thêm huyệt 300). Các vấn đề này sẽ được trình bày chi tiết ở các bài khác.

Bộ huyệt này cũng giúp nhuận tràng khi thêm 365.




7. TIÊU VIÊM KHỬ Ứ

Tạ Minh.

Đây là bộ TAN MÁU BẦM đã được tôi thiết lập từ 1988, nay triển khai để hoàn chỉnh hơn.

PHÁC ĐỒ
  156 - +, 38 - +, 7  - +, 50, 37, 3 - +, 61 - +, 290 - +, 16 - +, 26. Phản chiếu bộ vị.
KỸ THUẬT
-                Châm kim: lưu kim  20 phút. Kết quả cao nhất.
-                Gõ búa cao su nhỏ, hoặc day quẹt: 30 cái mỗi huyệt.
-                Xung điện: 30 nhịp mỗi huyệt.
-                Rung huyệt: mỗi huyệt chừng 10 giây đồng hồ.
Phải tác động đúng thứ tự  nêu trên mới phát huy hết tác dụng .
TÁC DỤNG
Tan máu bầm và tan sưng do va chạm. Tan sưng bầm do bong gân (nếu sái khớp thì phải nắn sửa khớp trước vì bộ huyệt này không sửa khớp được).
Tiêu các u bướu, các ứ tích chức năng hoặc thực thể.
KINH NGHIỆM
Bộ huyệt này hiệu quả càng cao khi điều trị càng sớm ngay trong ngày bị chấn thương, có thể chỉ sau 3 – 4 lần châm cách khoảng 3 – 4 giờ một lần là tan biến không còn dấu vết, không còn đau đớn gì. Nếu dùng các kỹ thuật khác thì hiệu quả kém hơn nhưng cũng vẫn nhanh hơn dùng các biện pháp khác như đắp muối, bóp rượu thuốc …
Nếu để quá ngày mới điều trị thì kết quả cũng yếu nhưng vẫn tốt dù có khi bị đã vài tháng hay vài năm.
Nếu mới bị va chạm, trị ngay mà không thấy có hiệu quả gì về mặt giảm đau hay giảm sưng thì phải nghĩ  ngay đến trật khớp hay có tổn thương đến phần xương như  nứt, gãy. Phải đến bệnh viện chụp X quang và bó bột ngay. Bệnh nhân thường mất cảnh giác ở những xương nhỏ như  xương bàn hay xương ngón tay chân làm cho bị tật về sau.Bộ huyệt này tối cần thiết trong các trường hợp bại liệt do chấn thương sọ não,tai biến mạch máu não có xuất huyết.
Tôi đã từng điều trị cho một bệnh nhân chấn thương bị mổ sọ não 2 lần mới thoát chết, xuất viện Chợ Rẫy trong tình trạng liệt nữa người. Sau 2 tháng châm có kết hợp tập vật lý trị liệu. Bệnh nhân đi đứng sinh hoạt bình thường, chỉ còn liệt nhẹ vùng bàn tay vận động bình thường nhưng lực yếu (vì một góc nhỏ não bị hoại tử  phải  cắt bỏ – theo lời thân nhân bệnh nhân). 
Một trường hợp khác bị dập tủy cổ (kết quả MRI: mất cấu trúc chất trắng-xám nội tủy nặng nhất ở ngang C3-C4), liệt tứ chi, xuất viện đã hơn 2 tháng nhưng vẫn chưa tự tiêu tiểu được, tứ chi nhúc nhích được nhưng  rất hạn chế. Tôi châm một tuần (6 lần), bệnh nhân đã điều khiển tiêu tiểu như ý, rút ống thông tiểu và không cần bơm thuốc khi đi cầu. Sau hai tuần chân có sức và bắt đầu tập đi. Sau một tháng đã đi được, có người dìu. Lúc bấy giờ bệnh nhân xin nghỉ để đến BV tập VLTL.
Về bại liệt do di chứng xuất huyết não thì có nhiều.Kết quả rất tốt nếu được điều trị sớm ngay khi xuất viện.

Lưu ý:
-       Không được dùng quá 3 tuần lễ.
-      Có thể kỵ thai.


8. TIÊU VIÊM GIẢI ĐỘC

PHÁC ĐỒ: 
106, 26, 61, 3, 37, 50, 41, 437,  38 , 104 + -, 156 , 235, 87, 173 ( 143).

KỸ THUẬT:
Chẩn đoán hàn nhiệt, chọn kỹ thuật thích hợp. Tốt nhất là châm kim. Tuy nhiên trong tình trạng cơ thể như vầy, rất dễ bị vựng châm (ngất xỉu trong khi châm). Day dầu trong bệnh hàn, rung huyệt hoặc day bằng vaseline trong bệnh nhiệt.
TÁC DỤNG CHỦ TRỊ:
Giải độc máu, lọc máu. Khu phong độc. Chống dị ứng do ăn uống (nếu cần có thể thêm bộ Bổ Trung). Giải độc cho cơ thể và làm tan viêm ứ do nhiễm độc. Dĩ nhiên cũng cần thêm vài huyệt trong bộ Lọc thấp như 240, 290, 7, 347.
Nên dùng trong những trường hợp:
-  có nhiễm độc như côn trùng cắn, phỏng hóa chất (thêm phản chiếu nơi bị cắn, bị phỏng).
-  nhiễm độc thực phẫm – nếu mới bị nên thêm phản chiếu ống tiêu hóa; nếu bị đã vài ngày rồi thì không nên vì sẽ hạn chế vùng tác dụng trong khi chất độc đã phát tán toàn thân, chỉ dùng sau khi bệnh nhân đã tỉnh hẵn nhưng còn đau bụng. Nhiễm độc ở đây thuộc khía cạnh hóa chất, không phải nhiễm trùng, các triệu chứng giống nhau (đau bụng, sốt,tiêu chảy) chỉ thêm có biểu hiện về thần kinh như choáng váng, ù tai, mờ mắt, nhức đầu.
-   Những bệnh do máu bị ô nhiễm mà ra như ghẻ nhọt, chàm lác, dị ứng thức ăn. Trường hợp này cần điều chỉnh tổng trạng để hổ trợ.
-   Có thể dùng vài lần đầu (3 đến 5 lần) trong những ca  viêm xoang mạn tính.
 Tạ Minh, 2006


9. TRỪ ĐÀM THẤP THỦY
Ly. Tạ-Minh.

Đàm, thấp, và thủy là ba tác nhân gây bệnh thường có mặt trong nhiều loại bệnh chứng khác nhau. Chúng thường quấy rối cơ thể bịnh nhân và gây trở ngại cho việc trị bịnh chính cho bịnh nhân .
Bộ huyệt TRỪ ĐÀM THẤP THỦY này được hình thành vào đầu năm 1990. Qua 3 năm thử nghiệm, truyền bá, bộ huyệt này đã tỏ rõ hiệu năng của nó, kể cả với những học viên chưa nhiều kinh nghiệm hoặc chưa được học về Đông y. Tỉnh An Giang và thị xã Long Xuyên là nơi được phổ biến đầu tiên, sau khi tôi đạt được một số kết quả lâm sàng  tại TT/DC-ĐKLP 19B Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP.HCM, nhân một dịp đi huấn luyện tại đó. Đồng bằng sông Cửu Long vốn nhiều sông nước, việc nhiễm thủy thấp là điều đương nhiên, nhất là với các bà con nông dân, càng phổ biến hơn ở nữ giới (thường tắm đêm ở ao, rạch sông ngòi).

A-   PHÁC ĐỒ , KỸ THUẬT TÁC ĐỘNG:
 Có 3 phác đồ dùng cho 3 mức độ bệnh khác nhau từ nhẹ tới nặng. Lọc thấp là dùng cho trường hợp thấp nhẹ, trừ thấp được dùng cho mức độ thấp trung bình, trục thấp là trường hợp thấp nặng .
Lọc thấp : 107, 240, 12, 184, 290, 7, 347 .
Trừ  thấp: 521, 87, 22 B, 235, 127, 347, 236, 85, 29 (222), 53, 7 , 63, 64, 287, 19, 39, 1, 290, 240, 26,103.
Trục thấp: tác động trọn ụ càm; bờ môi dưới; bờ môi trên và cánh mũi (giới hạn bởi pháp lệnh), toàn bộ mũi kéo dài lên vùng huyệt 103-175. Phác đồ này được dùng khi cần trục đàm thấp thủy thật mạnh.
Về mức độ bệnh Thấp Thủy cần điều trị nhiều mới có kinh nghiệm phán đoán. Nếu chưa kinh nghiệm các bạn có thể dùng phác đồ lọc thấp trước, nếu không hiệu quả mới tăng dần theo các phác đồ sau.
Chú ý:
-        Cần chẩn đoán về hàn nhiệt trước khi điều trị .
-        Rất ít khi phải dùng trọn bộ huyệt nêu trên.
-        Dò sinh huyệt  trước khi tác động.
-        Sử dụng que dò có dầu cao trước, nếu không có tác dụng mới sử dụng ngãi cứu trong những trường hợp bệnh thuộc hàn .
-        Nếu sử dụng que dò thì day mỗi huyệt chừng 30 cái với vaseline khi bịnh thuộc nhiệt, với dầu cao khi bịnh thuộc hàn.
-        Dán cao khi bịnh thuộc thấp-thủy nặng (thường thuộc hàn chứng).
-        Nếu sử dụng ngãi cứu  thì hơ nóng mỗi huyệt 3 lần rồi xoa dầu cao vào huyệt, khi bịnh thuộc hàn nặng.
-        Mỗi lần điều trị cần xem xét lại trước khi dùng, đề phòng sự quá liều rất dễ xảy ra.

B-    KINH NGHIỆM LÂM SÀNG :
 Một hay các hiện tượng sau đây sẽ xảy ra khi chẩn đoán đúng và điều trị đúng mức độ:
-        Bịnh chứng thuyên giảm rõ rệt.
-        Bịnh nhân có thể đột ngột đi tiêu lỏng, sệt hoặc có đàm nhớt lẫn trong phân. Có thể đau bụng hoặc không, nhưng không quá 5 lần trong một ngày đêm, càng đi tiêu càng thấy người thoải mái chứ không mệt như các trường hợp đi tiêu lỏng khác.
-        Bịnh nhân có thể khát nước hơn, nên uống ngay nước ấm hay đun sôi để nguội (không nên uống nước ướp lạnh hay nước đá) và uống từ từ chứ không uống nhanh. Khi cảm thấy hết khát thì ngưng ngay chứ không uống cho hết nước đã rót ra ly. Tình trạng này có khi do tác động quá liều, do đó cần hỏi kỹ để ngưng kịp thời, tránh tác dụng xấu.
-        Bịnh nhân có thể thấy choáng váng một lúc rồi tự hết, sau khi điều trị về. Đây là hiện tượng tốt.
-        Bịnh nhân có thể thấy cơ bắp toàn thân rần rần như có cái gì chạy nhè nhẹ; rõ nhất ở vùng bụng dưới và hai chân. Có thể hai chân bỗng tê rần, mỏi nhừ hoặc yếu sức hoặc đau nhức (trước đây không có hoặc quá nhẹ);nhất là khi bịnh nhân đang có bịnh thuộc vùng bụng dưới thắt lưng hay vùng chân.
-        Bịnh nhân có thể bỗng bị nổi mụn ngứa (giống như bị dị ứng), cứ yên tâm vì khoảng ba ngày đến hai tuần sau sẽ tự hết tùy nhẹ hay nặng. Đây là sự giải độc.
LƯU Ý: khi bịnh nhân có một trong các hiện tượng sau đây là ta đã chẩn trị sai hoặc tác động quá liều về huyệt hay về kỹ thuật .
-        Bịnh nhân  bỗng cảm thấy chán ăn hơn trước.
-        Bịnh nhân bị nóng người, khô người, khát nước, uống nước thấy ngon uống thật nhiều mới thấy hết khát, người thấy mệt (không phải mỏi), hồi hộp tim , khó ngủ.
Nên dùng nước dừa, dưa hấu, hoặc thanh long kèm với bộ huyệt BỔ ÂM HUYẾT để điền lại huyết dịch cho bịnh nhân .

C-    TÁC DỤNG:
 Loại trừ  đàm, thấp và nước ứ đọng trong cơ thể bịnh nhân.

D-   CHỦ TRỊ:
 Giải quyết tất cả các bịnh do đàm ẫm gây ra; dứt điểm hoặc hỗ trợ cho các phương hướng điều trị khác. Tuy nhiên, giữ gìn và phục hồi chính khí của bịnh nhân là việc cần chú ý trước và sau khi dùng nó.
Có thể dùng để điều trị các bịnh thường gặp như: ho đàm, thủy thũng, thấp khớp, trúng nước nặng (khi BỘ THĂNG tỏ ra kém hiệu quả), huyết trắng không có yếu tố nhiễm trùng, béo phì bịnh lý (mập nước), đại tiện phân nhão thường xuyên, ăn kém lâu ngày mà các loại thuốc bổ không có tác dụng (vì đàm thấp ứ đọng cản trở sự hấp thu của cơ thể).

E-    CHỐNG CHỈ ĐỊNH:
Cũng như các phương án điều trị có tính tấn công khác, không nên dùng bộ huyệt này cho các bịnh nhân  suy nhược, suy tim, to tim. Tuy nhiên khi đàm thấp thủy là nguyên nhân gây bịnh thì rõ ràng phải trừ gấp để lập lại sự lưu lợi cho các tuyến sinh lý cơ thể, nếu không sẽ rất khó giải quyết các bịnh chứng liên quan(trường hợp này phải rất cẩn thận khi dùng).

F-    CHẾ ĐỘ SINH HOẠT, ĂN UỐNG:
Tránh tái nhiễm thủy ẫm suốt thời gian điều trị và sau khi điều trị xong khoảng ba tháng.
1- Về sinh hoạt, kiêng cử các hoạt động sau đây: tắm ban đêm, tắm nước nóng mà lâu (nên tắm nhanh), uống nước nhanh (nên ưống từ tốn), tiếp xúc với nước nhiều, nằm ngủ dưới đất, tiếp xúc với sức nóng nhiều và lâu.
2-  Về ăn uống: cử dùng các thứ quá mát hoặc lạnh, các thứ có chất nhớt như đậu bắp, mồng tơi, rau đay, khoai mỡ, sữa đặc, lòng trắng trứng… Các loại cà, măng và các thức chua kể cả các loại mứt làm từ  thức chua như mứt me, mứt dâu..vv. Các món này có vẻ nghịch lý với Tây y nhưng kinh nghiệm thực tế cho thấy là phải cử !!??

G-   KẾT LUẬN:
Có thể là do ăn uống sai phép dưỡng sinh mà tạo ra bất ngờ. Nhưng thông thường Đàm Thấp Thủy là những sản phẩm được tạo ra khi có một trục trặc sinh lý nào đó.Tuy vậy bịnh nhân không chú ý vì quá trình tạo lập thường chậm chạp từng chút một cho đến khi đủ cường độ thì mới gây tác hại.Vì vậy ít ai cảnh giác mà có khi còn cho là sự tự nhiên của cơ thể ! Do đó họ không kể ra khi khai bịnh.
Tuy là một sản phẩm có vẻ bình thường (dưới mắt bịnh nhân) nhưng chính chúng là tác nhân gây bệnh và cản trở việc điều trị bịnh chính. Việc điều bổ chỉnh đốn sinh lý cơ thể cho bịnh nhân  là mục tiêu tối hậu, nhưng nếu không trừ chúng đi trước thì có khi cũng khó đạt mục tiêu tốt đẹp này.
Vì là một phương pháp tấn công nên khi dùng bộ huyệt này chúng ta cần theo dõi kỹ lưỡng diễn tiến lâm sàng để linh hoạt điều chỉnh mức độ điều trị cho thích hợp; để tấn công đúng lúc, dừng lại đúng lúc và bồi bổ (bằng bộ BỔ ÂM HUYẾT hoặc BỔ TRUNG) đúng lúc hầu đạt hiệu quả  tốt. Muốn thế xin quý vị lưu ý phần A và B của bài này.
  TP HỒ CHÍ MINH, ngày 5-1-1994.

 


10. BỔ ÂM HUYẾT

   Ly. Tạ Minh

            Âm huyết kém là nguyên nhân của rất nhiều bệnh chứng. Việc chẩn đoán âm huyết kém không khó. Khó là bồi bổ cho đạt yêu cầu. Có những trường hợp bịnh nhân đã uống thuốc bổ Đông dược hoặc Tây dược hằng mấy tháng vẫn không hề chuyển biến ! Thật là khó hiểu và bất hợp lý. Trên lâm sàng không ít lần chúng ta bế tắc khi gặp trường hợp này. Bệnh vì âm huyết suy mà không bổ được thì không thể trị dứt bệnh mà chỉ làm giảm chứng. Thế thì cứ  phải gặp nhau hoài, làm bịnh nhân nản lòng mà thầy thuốc nản hơn, đôi khi càng trị theo chứng lại càng làm âm huyết suy thêm. Cho nên khi xây dựng được bộ huyệt BỔ ÂM HUYẾT này, tôi vô cùng mừng rỡ vì qua thực tế sử dụng thấy kết quả rất tốt ngoài ý muốn ban đầu. Xin trình bày để chúng ta cùng dùng, giúp cho bịnh nhân.

A- PHÁC ĐỒ :
   22, 347+-, 127, 63M+ -, 17+ -, 113+ -, 7+ -, 63, 50, 19, 39, 37, 1, 290+ -, 0+ -.
Không phải lúc nào cũng sử dụng hết các huyệt trên, mà chỉ dùng những huyệt có báo bệnh.
B- KỸ THUẬT :
Trên lâm sàng thường có hai thể khác nhau: hàn và nhiệt.
 Hàn chứng thì người mát cho tới lạnh, cảm giác tương đối sợ lạnh hơn sợ nóng.
 Nhiệt chứng thì người ấm đến nóng, cảm giác tương đối sợ nóng hơn sợ lạnh.
Khi âm huyết kém thì nóng lạnh đều sợ. Thiên hạ chưa nóng mình đã nóng, chưa lạnh thì mình đã lạnh nên tôi dùng chữ tương đối.
1- Hàn chứng : dùng ngãi cứu hơ mỗi huyệt nóng một lần không xoa dầu, theo thứ tự trên.
2- Nhiệt chứng : dùng que dò chấm vaseline day mỗi huyệt 30 cái nhè nhẹ theo thứ  tự như  trên (không cần day mạnh cho thật đau - vaseline ở đây chỉ nhằm bôi trơn chứ không có tác dụng gì).

C- TÁC DỤNG VÀ CHỦ TRỊ :
      Qua thực tế áp dụng từ năm 1991 đến nay, tôi nhận thấy bộ huyệt này có các tác dụng như sau :
 Giúp biết đói khi tới giờ ăn, ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt, hấp thu tốt, biến dưỡng tốt.
 Sinh tân dịch, sinh cơ nhục, tạo hồng cầu.
 Điều hòa thành phần máu.
       Qua đó, nó trị được các bệnh do huyết hư suy, thiếu tân dịch như : suy nhược cơ thể do ăn kém hoặc ăn tốt nhưng không hấp thu nên vẫn gầy kể cả các trường hợp đã uống nhiều thuốc bổ Đông Tây y; thiếu hồng cầu; thiếu huyết sắc tố trong máu, thiếu huyết tương; tiểu đường; cholesteron trong máu cao; giai đoạn đầu của các bệnh thuộc về sự thoái hóa (như thoái hóa võng mạc, thoái hóa thần kinh thị giác …); táo bón kinh niên dạng âm hư (phân dê) …

D- ỨNG BIẾN LÂM SÀNG
       Thông thường, chỉ sau ba lần điều trị là bịnh nhân đã bắt đầu chuyển biến như thấy đói bụng, ăn ngon miệng hơn … nhưng kết quả cuối cùng lên cân thì không nhanh được mà phải có thời gian.
        Nếu sau ba lần dùng bộ huyệt này mà không thấy hiệu ứng gì thì thường do cơ thể ứ đọng thủy thấp quá nhiều, cần trừ thấp trước rồi bổ âm huyết sau (xem bài TRỪ ĐÀM THẤP THỦY BẰNG DC-ĐKLP).
       Trong bệnh tiểu đường và cholesteron trong máu cao ta cần thêm huyệt 347.
       Nếu thiếu hồng cầu hoặc huyết sắc tố ta phải dùng trọn tam giác Tỳ 37, 40, 481.
           
E- KẾT LUẬN :
        Bộ BỔ ÂM HUYẾT này hiệu quả rất tốt trong nhiệm vụ bồi bổ cơ thể đơn thuần. Riêng khi dùng để chữa bệnh thì cần kết hợp linh động với các phác đồ khác một cách khéo léo mới mong đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên với bịnh nhân trên 70 tuổi thì vấn đề khó khăn hơn.

Tp Hồ Chí Minh 1-1-1999.


PHỤC HỒI CHÍNH KHÍ.
    Lương y Tạ Minh.
Trong Đông y, cân bằng Âm Dương và điều bổ Khí Huyết là nguyên lý của việc chữa bệnh. Vì phục hồi sự cân bằng Âm Dương và điều bổ cho khí huyết đầy đủ là phục hồi được chính khí. Trên nguyên tắc, chính khí vững mạnh thì tà khí tự lui.
Thông thường nếu chính khí chưa bị suy yếu thì việc chữa bệnh khá đơn giản: chẩn đoán bệnh thuộc hàn hay nhiệt, tìm Sinh huyệt theo đồ hình phản chiếu hay theo luật đồng ứng rồi tác động với kỹ thuật thích hợp là đã thành công. Phức tạp hơn một chút nữa là bệnh có cơ chế khác, không chỉ là hàn hay nhiệt. Và càng phức tạp hơn khi chính khí suy yếu. Lúc này hầu hết bạn chỉ làm giãm được triệu chứng ngay tại chổ mà thôi.
Tôi may mắn đã tìm được cách phục hồi chính khí bằng Diện Chẩn-Điều Khiển Liệu Pháp thuần túy, mà trước đây tôi thường gọi là “điều chỉnh tổng thể” “điều chỉnh tổng trạng”. Đã thực hiện trên lâm sàng từ năm 1995 đều có những thành công tốt đẹp. Hơn 15 năm thực nghiệm, rút tỉa kinh nghiệm. Nay xin phổ biến chính thức để những ai yêu thích DC cũng dùng được để rút ngắn thời gian, nâng cao và duy trì hiệu quả điều trị.
Trước hết, các bạn cần biết đo huyết áp theo kiểu của tôi, đã trình bày trong bài “kỹ thuật đo huyết áp” và trong đĩa video “chẩn đoán bằng huyết áp kế”. Cũng như trong Blog 360plus của tôi (vào 360plus của Yahoo Việt Nam, gõ taminhdc, các bạn sẽ tìm thấy trang Blog này).
Sau khi đã có kết luận huyết áp của bệnh nhân thuộc Dương chứng hay Âm chứng, kế tiếp là chọn vùng thích hợp (vùng có nhiệt độ đặc biệt, theo bài Làm Sao Để Đạt Tứ Đắc) là chúng ta có thể bắt tay vào việc cân bằng Âm Dương và điều bổ Khí Huyết.
Việc thực hiện phục hồi chính khí nêu trên theo hai vế Dương-Khí và Âm-Huyết như sau.

PHỤC HỒI DƯƠNG, KHÍ: khi thấy huyết áp thuộc âm chứng thì ta biết Dương hoặc Khí bệnh nhân bị suy. Nếu bệnh nhân sợ lạnh hoặc làm việc không bền sức dù siêng năng là Dương suy. Nếu bệnh nhân không sợ lạnh tuy uể oải lười biếng mà khi cần thì làm việc bền sức là Khí suy. Nếu các hiện tượng trên đều có là Dương và Khí đều suy.
Chọn vùng thích hợp, chọn kỹ thuật thích hợp, dùng Bộ Thăng.
Nếu Dương suy, ta làm ấm huyệt bằng một trong các kỹ thuật sau đây (có cường độ điều trị từ nhẹ đến mạnh): day có dầu, dán cao salonpas, hơ, hơ có dầu, day dầu rồi dán cao, day dầu rồi hơ và dán cao. Việc chọn cường độ cần kinh nghiệm để ước lượng, nếu chưa kinh nghiệm bạn có thể chọn cường độ nhẹ trước rồi tăng dần khi thấy không hiệu quả.
Trường hợp này, vùng thích hợp thường là vùng lạnh nhất và thường xuất hiện ở bàn chân;
Nếu là Khí suy, bạn chỉ day Bộ Thăng. Thường sẽ là vùng ấm nhất trên cơ thể.

PHỤC HỒI ÂM, HUYẾT: khi thấy huyết áp thuộc dương chứng thì ta biết Âm hoặc Huyết bệnh nhân bị suy, hoặc cả hai khía cạnh Âm và Huyết đều suy. Trường hợp này không cần chẩn đoán thêm như trên mà chỉ cần dùng bộ Bổ Âm Huyết mà thôi. Bộ Bổ Âm Huyết sẽ tự động bổ Âm hay bổ Huyết hay bổ cả hai cho cơ thể.
Nếu bàn chân lạnh, bạn cần hơ, không được bôi dầu vào huyệt. Nếu bàn chân mát, bạn day có dầu. Nếu bàn chân bình thường hay ấm bạn day không dầu.

KINH NGHIỆM LÂM SÀNG.
1-     Trong các lần điều trị sau bạn luôn cần khám nhanh lại trước khi điều trị: sờ mặt, bàn tay, bàn chân, mi mắt để xem có sự biến đổi nào. Nếu có biến đổi, bạn cần bám theo biến đổi đó để thay đổi vùng tác động, phác đồ và kỹ thuật cho thích ứng với tình hình mới. Có như vậy bạn mới thực hiện tốt việc phục hồi chính khí cho bệnh nhân.
2-     Nếu huyết áp âm chứng mà niêm mạc mắt có lớp trong nhạt hay trắng là Dương hay Khí suy kèm Âm hay Huyết kém hoặc cả hai đều kém. Bạn lại phải dùng bộ Bổ Âm Huyết-Thăng như sau: 22, 127, 63M+-, 17+-, 113+-, 7+-, 50, 19, 39, 37, 40, 481, 1, 73-+, 189, 103, 300-+, 0+-.
Phần còn lại trong điều trị; bạn chọn phác đồ, chọn phản chiếu, chọn kỹ thuật thích hợp để trị theo cơ chế bệnh chứng bệnh nhân đang mắc phải.
Đây chính là quy trình căn bản điều trị cần thiết vậy. Trên thực tế, có rất nhiều hiện tượng pha tạp chi tiết khó lòng trình bày cho hết. Bạn cứ ôm lấy căn bản này mà làm, các việc còn lại cơ thể sẽ tự điều chỉnh.

TP. Thái Bình,1 giờ 22 phút, ngày 11-11-2010.

0 Comments:

Post a Comment

Bạn có ý kiến về vấn đề này như thế nào?
(What do you think about it?/ Qu'en pensez-vous?)

Cảm ơn các bạn đã ghé thăm blog mình (✿ ♥‿♥)(♥‿♥ ✿)

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More